Một số món ăn đại diện Ẩm thực Hải Phòng

Bánh đa cua

Bài chi tiết: Bánh đa cua

Bánh đa cua đúng kiểu của Hải Phòng thì các yếu tố đặc trưng là màu sắc phong phú những nguyên liệu tạo nên món ăn (màu đỏ sẫm của sợi bánh đa, màu nâu hồng của gạch cua, màu đỏ tươi của cà chua, màu xanh của rau rút hoặc rau muống, màu xanh đậm của chả lá lốt, màu vàng của chả viênhành phi), sợi bánh đa đỏ có độ dai nhưng mềm (sợi bánh không bị nhũn hay nát) và loại tương ớt ăn kèm mà người Hải Phòng quen gọi là "chí chương" cũng thường được chế biến theo cách thức gia truyền[22] thay vì dùng loại tương ớt chế biến sẵn. Có thể ăn buổi sáng hay buổi tối, mùa hè hay mùa đông cũng đều cảm thấy vị ngon. Nhiều người đã so sánh mức độ phổ biến và được ưa thích của bánh đa cua đối với người Hải Phòng cũng như món phở với người Hà Nội, món bún bò với người Huế và món hủ tiếu/hủ tíu với người Sài Gòn.

Nem cua bể

Nem cua bể

Nem cua bể (cũng gọi là chả nem, nem hải sản) theo đúng cách chế biến kiểu Hải Phòng thường được gói theo hình vuông ngoài cách gói nem phổ biến hình thon dài. Nem cua bể thông thường được ăn với bún, mắm dấm và rau sống. Thưởng thức nem cua bể tốt nhất là sau khoảng 5 phút kể từ khi vớt nem khỏi chảo dầu sôi và để cho ráo mỡ. Cơ bản về nguyên liệu chế biến không có nhiều khác biệt so với chả nem chế biến tại nhiều địa phương của miền Bắc như thịt lợn, tôm, nấm hương, mộc nhĩ, giá đỗ...

Khác biệt ở đây chính là sự có mặt của nguyên liệu cua bể (một nguồn hải sản tương đối dồi dào của vùng biển Hải Phòng), loại bánh đa nem sản xuất theo phương pháp truyền thống của địa phương (cũng như loại bánh đa đỏ dùng trong chế biến bánh đa cua) và cách thức gói nem (gói theo hình vuông, cách thức nhào trộn và thứ tự sắp xếp các thành phần nguyên liệu khi gói nem). Yêu cầu cơ bản ở đây là nem cua bể phải có mùi vị đặc trưng của cua bể sau khi đã chiên rán chín (mùi cua bể không bị hòa lẫn vào mùi vị của các nguyên liệu khác), vỏ nem sau khi rán có màu vàng và độ giòn nhưng không bị cháy cạnh.

Giá bể xào

Giá bể hay giá biển là một loài nhuyễn thể, có phần thịt ngọt và sống vùi dưới lớp cát trên biển. Nét nổi bật của nó chính là phần chân lòi ra như một cọng giá đỗ. Giá bể Hải Phòng là nguyên liệu để làm nên nhiều món nhưng có lẽ được biết đến nhiều nhất chính là món giá bể xào. Khi nấu thì phần vỏ của chúng vẫn được giữ nguyên nên có thể nói thực khách sẽ được thưởng thức một hương vị trọn vẹn nhất khi ăn giá bể.Sau khi được làm sạch, chân và thân giá bể sẽ được tách rời rồi đem phi thơm cùng hành, tỏi, bột nghệ, giấm và các loại gia vị. Để tạo độ sệt, thường người Hải Phòng hay cho thêm bột dong hay bột mì/ bột năng pha loãng.

Bánh mỳ cay

Bài chi tiết: Bánh mỳ que

Còn được gọi là bánh mỳ que. Và dù gọi theo cách nào thì cũng nói lên một phần đặc trưng của loại bánh mỳ này. Sở dĩ có tên gọi bánh mỳ que là do hình dạng của chiếc bánh mỳ nhỏ, dài, nằm lọt trong lòng bàn tay và điều quan trọng là độ giòn của bánh mỳ. Còn tên gọi bánh mỳ cay là do vị cay đặc trưng của loại tương ớt ăn kèm cũng giống như loại tương ớt ăn kèm với bánh đa cua. Loại tương ớt này được chế biến theo công thức đặc trưng của địa phương (thường được người Hải Phòng gọi là chí chương) thay vì dùng loại tương ớt đóng lọ chế biến sẵn. Điểm cơ bản tạo nên vị ngon của bánh mỳ cay (hay bánh mỳ que) theo kiểu Hải Phòng chính là ở cách chế biến pa tê gan, bánh mỳtương ớt ăn kèm.

Bánh bèo

Cùng với bánh mì cay Hải Phòng, bánh đa cua Hải Phòng thì bánh bèo cũng là món ăn rất được lòng du khách, xếp vào danh sách những món ăn nhất định phải thử trong chuyến du lịch đến Đất Cảng.Khác với bánh bèo Huế hay bánh bèo Hà Nội, bánh bèo Hải Phòng có dạng hình vuông được bọc ngoài bằng lá chuối, vỏ mềm dẻo và bên trong là phần nhân đầy ú thịt, ngọt và ngon nhất khi ăn nóng. Bánh sẽ được ăn kèm với nước chấm nóng, một viên thịt đậm đà, một miếng chả quế thơm lừng. Khi ăn thực khách có thể cảm nhận được vỏ bánh mềm, nhân bánh ngọt đậm và giòn giòn của mộc nhĩ kết hợp cùng nước chấm nóng mặn và cay vừa đủ. Có thể nói bánh bèo là món ăn nhẹ buổi chiều không thể thiếu với người dân thành phố.

Lẩu cua đồng

Bài chi tiết: Lẩu cua đồng

Một biến thể của món lẩu vốn đã rất quen thuộc với nhiều người sành ẩm thực. Điểm khác biệt của món lẩu cua đồng chế biến theo kiểu Hải Phòng so với nhiều món lẩu thường thấy là một số nguyên liệu đặc trưng dùng trong chế biến như cua đồng, lòng non của lợn (heo), chả cá (chế biến theo kiểu Hải Phòng, thường là từ thịt cá thu) và các nguyên liệu ăn kèm như bánh đa đỏ (loại bánh đa dùng trong món bánh đa cua), rau mùng tơi...

Trà cúc

Nếu Hà Nội nổi tiếng với món trà đá, TP. Hồ Chí Minh hút khách với trà chanh thì tại Hải Phòng, trà cúc lại là thức uống phổ biến, được ưa chuộng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Đúng như tên gọi, món trà này được làm từ thành phần chính là trà, hoa cúc và cam thảo, thêm chút quất (tắc), táo đỏ sấy khô,... tạo hương vị đặc trưng, thơm ngon hơn. Dù không quá cầu kỳ về mặt nguyên liệu nhưng trà cúc đòi hỏi cách chế biến tỉ mỉ, chỉn chu từng công đoạn khác nhau. Một cốc trà cúc đúng điệu phải có đủ 3 vị. Đó là vị đắng hơi ngai ngái của hoa cúc, vị ngọt thơm của cam thảo và vị chát của trà, thêm chút chua dịu của vài lát quất (tắc) thái mỏng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ẩm thực Hải Phòng http://vnexpress.net/gl/doi-song/am-thuc/2012/04/t... http://anhp.vn/am-thuc-hai-phong-gia-vi-cho-phat-t... http://anhp.vn/khai-thac-nguon-loi-hai-san--can-mo... http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/B... http://hoahoctro.vn/tin-tuc/banh-mi-cay-hai-phong-... http://khampha.vn/tin-nhanh/co-chu-8x-thay-doi-bat... http://kyluc.vn/ky-luc/546.mon-an-dac-san-vn-de-cu... http://giadinh.net.vn/an/banh-mi-cay-hai-phong-ngo... http://www.hta.org.vn/viet-nam-the-gioi/dac-sac-am... http://toquoc.vn/suc-hap-dan-am-thuc-vung-dat-cang...